Liên hệ chúng tôi

Trung tâm báo chí, Phòng Tuyên truyền Đảng ủy SISU

Tel : +86 (21) 3537 2378

Email : news@shisu.edu.cn

Address :550 phố Đại Liên Tây, Thượng Hải, Trung Quốc

Tin cũ

Sinh viên Hà Nội


24 May 2019 | By viadmin | SISU

 

Sinh viên Hà Nội

 

Năng động, nhiệt huyết, tự lập là cảm nhận của em khi nói về sinh viên Hà Nội. Và cũng chính sự năng động đã trang bị cho các bạn ấy những kĩ năng và hành trang để bước vào đời.

Hà Nội không chỉ là nơi tập trung kinh tế chính trị của Việt Nam, mà còn là nơi tập trung của nhiều Viện nghiên cứu, trường Đại học, bảo tàng, thư viện hàng đầu của cả nước. Hàng năm, Hà Nội dang tay đón chào hàng vạn sinh viên mới nhập học, các trường Đại học đang không ngừng nỗ lực cung cấp tài năng chất lượng cao cho xã hội. Số lượng sinh viên đông đảo là hiện diện cho sự tiến bộ của mặt bằng giáo dục Việt Nam.

 

Ảnh minh họa: TNO

Bốn năm Đại học, bốn năm ngồi trên ghế giảng đường không chỉ là quá trình nắm vững những kiến thức nền tảng về mặt lý thuyết; cũng không chỉ là quá trình vùi đầu vào sách, để nắm bắt những con số, những tri thức rập khuôn, máy móc. Mà còn là quá trình nhìn ra bên ngoài để tiếp cận và tìm hiểu thế giới xung quanh, học tập từ thực tế; là quá trình đem tri thức áp dụng vào thực tế, để phục vụ đời sống, nâng cao chất lượng cuộc sống. Và tất cả những điều này đã được minh chứng khi em đến Hà Nội du học, được tận mắt chứng kiến quá trình học tập và sinh hoạt của sinh viên Hà Nội, được may mắn làm quen với các bạn ấy, tìm hiểu và giao lưu quá trình học tập, đi sâu tìm hiểu đời sống sinh viên của họ.

Ấn tượng đầu tiên của em dành cho sinh viên Hà Nội là độc lập và năng động. Mỗi một lần đi dạo quanh phố phường Hà Nội, em đều gặp không ít các bạn trẻ chạc tuổi mình đang bận rộn làm thêm trong các Shop quần áo, giầy dép, quầy lưu niệm, nhà ăn, quán cà phê, v.v. Sau khi chào hỏi, em được biết các bạn ấy đều là sinh viên năm thứ hai thứ ba của các chuyên ngành mũi nhọn, đến từ các Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế Quốc Dân, Đại học Ngoại Thương, Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Thương Mại, Đại học Quốc Gia, Đại học Hà Nội... Ngoài việc nỗ lực hoàn thành xuất sắc những môn học; hưởng ứng các phong trào tổ chức của Đoàn Đội; gia nhập các hoạt động thanh niên tình nguyện, như: “Mùa hè xanh”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Ngày tình nghĩa” xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, v.v. Phần lớn các bạn ấy đều dùng thời gian rảnh rỗi còn lại tìm việc làm thêm giờ để kiếm tiền, giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ, đồng thời tăng cường kỹ năng xã hội của bản thân. Mỗi khi nhìn thấy các bạn ấy đi làm còn tranh thủ thời gian vắng khách để đọc sách hoặc làm bài tập. Em lại cảm thấy rất hổ thẹn với bản thân, vì cũng là sinh viên như họ nhưng em lại không muốn đi làm thêm để giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ.

Một đặc điểm quan trọng khác của sinh viên Hà Nội mà em thấy, đó là cái tác phong sinh viên và bầu nhiệt huyết tràn trề trong họ. Điều này được phản ánh từ thực tế là họ luôn mặc đồng phục khi đi học hoặc tham gia các hoạt động của Đoàn Đội. Sau khi tan học, họ thường tụ họp thành tốp năm tốp ba, ngồi chụm đầu ôn bài trên sân cỏ, trong sảnh thư viện, hay trước cửa ký túc xá. Em thấy đây là điều hiếm thấy ở các Trường Đại học của Trung Quốc. Bởi vì hầu hết các sinh viên của Trung Quốc đều không mặc đồng phục khi đi học, mặt khác sinh viên ở Trung Quốc luôn bận rộn với công việc và kế hoạch cá nhân, không thích tổ chức học nhóm, khác hẳn với các bạn sinh viên ở Hà Nội.

Do quá trình rèn luyện của bố mẹ từ khi còn nhỏ nên khả năng tự lập và chăm sóc bản thân của sinh viên Việt Nam rất tốt. Người Việt Nam có câu: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình.” Vì thế trong gia đình người Việt Nam, những công việc nhẹ nhàng từ quét nhà, rửa bát, đến nấu cơm, giặt quần áo đều được phân chia công bằng cho con cái tùy theo độ tuổi và khả năng.

Mặt khác, do điều kiện cung ứng ký túc xá cho sinh viên của các trường Đại học ở Việt Nam còn hạn hẹp, đa phần các trường Đại học không yêu cầu bắt buộc sinh viên phải ở trong trường. Do đó, phần lớn sinh viên Hà Nội đều thuê nhà trọ gần trường. Để giảm bớt chi phí sinh hoạt hàng tháng họ thường rủ thêm bạn ở cùng, và tự nấu ăn chứ không gọi cơm hộp hay cơm hàng như sinh viên Trung Quốc. Những thành viên ở chung phòng đều được phân công công việc rõ ràng như đi chợ, nấu ăn, rửa bát, vệ sinh phòng trọ, đổ rác, v.v. Hơn nữa, mỗi một xóm trọ đều là một xã hội thu nhỏ, và là nơi tập trung nhiều sinh viên với độ tuổi, chuyên ngành và các trường Đại học khác nhau. Họ giao lưu, kết bạn, giúp đỡ nhau, hoàn thiện lẫn nhau trên nhiều phương diện. Đây cũng là nguyên nhân tại sao xóm trọ sinh viên lại trở thành chủ đề làm phim được các đạo diễn và nhà làm phim quan tâm và yêu thích.

Mặc dù khóa học ở Việt Nam của em đã kết thúc, nhưng hình ảnh các bạn sinh viên Hà Nội vẫn thường xuyên hiện về trong ký ức của em. Em tin rằng với sự năng động, nhiệt huyết, tài năng, tự tin, độc lập, sáng tạo,... các thế hệ sinh viên Việt Nam sẽ xây dựng nên một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển và tươi đẹp hơn.

Hạ Lệ

 

Chia sẻ:

Liên hệ chúng tôi

Trung tâm báo chí, Phòng Tuyên truyền Đảng ủy SISU

Tel : +86 (21) 3537 2378

Email : news@shisu.edu.cn

Address :550 phố Đại Liên Tây, Thượng Hải, Trung Quốc

Tin cũ