Liên hệ chúng tôi

Trung tâm báo chí, Phòng Tuyên truyền Đảng ủy SISU

Tel : +86 (21) 3537 2378

Email : news@shisu.edu.cn

Address :550 phố Đại Liên Tây, Thượng Hải, Trung Quốc

Tin cũ

Những con người Việt Nam hồn hậu


14 December 2018 | By viadmin | SISU

Khi xem lại các bức ảnh mình đã chụp trong những ngày đi chơi ở miền Nam Việt Nam, những hình ảnh nên thơ, những khuôn mặt thân thương của bạn bè lại hiện ra trước mắt tôi. Nếu chỉ có cảnh mà không có người thì chẳng khác gì hoa hồng không lá, bầu trời không mây, biển không cá, lúa không bông. Cho nên, trong bài này tôi muốn ghi lại hình ảnh những con người Việt Nam hồn hậu đã để lại những ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi, đồng thời cũng chính họ đã tô hồng chuyến du lịch của tôi.

Ngày 10 tháng 2 năm 2018, tôi cùng hai người bạn bắt đầu chuyến du lịch xuyên Việt, trong quãng thời gian dài hai tuần này, tôi là người phụ trách tìm địa điểm đi chơi. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Sài Gòn. Sau khi tìm hiểu, tôi phát hiện các địa điểm du lịch ở Sài Gòn chủ yếu tập trung ở Quận Nhất và Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn dường như là trung tâm kết nối các địa điểm đó. Nhà thờ Đức Bà là một công trình kiến trúc vừa có giá trị lớn về mặt lịch sử cũng như nghệ thuật kiến trúc. Đến đây, cảm giác đầu tiên của tôi là đông đúc và nhộn nhịp. Bên cạnh lối vào Nhà thờ có một người đàn ông với dáng người trung tầm, nước da ngăm đen, mái tóc đen, nét mặt cương nghị, và dường như rất hiếm khi cười. Chú đứng đó bán đồ chơi – chim giấy biết bay. Tôi tò mò đi lại gần chú, hỏi mua một con chim giấy. Đây là một trò chơi được cải tiến từ trò chơi máy bay giấy, nhìn có vẻ rất đơn giản nhưng vô cùng thú vị. Bộ phận then chốt của nó ở dưới bụng con chim, chỉ cần đẩy nó ra là con chim giấy có thể tự bay lên cao. Nhưng không hiểu sao, dưới sự chỉ dạy tỉ mỉ của chú, tôi thử đi thử lại, tập đi tập lại, con chim giấy đó vẫn không chịu bay lên trời, “có lẽ nào nó quá yêu tôi mà không nỡ bay xa chăng” tôi gượng cười an ủi rồi nhìn sang chú? Chú từ tốn nhìn điệu bộ vụng về của tôi, tiếp tục giảng giải. Chú nói đặc giọng niềm Nam tôi nghe không hiểu, không biết chú đang nói gì. Bất lực, tôi nói với chú: “Cảm ơn chú ạ! Cháu muốn tự thử xem sao.”

Qua tay tôi, con chim giấy càng giống “ giấy”. Tôi đẩy mạnh ra ngoài chú chim “xoạt” một tiếng đâm vào đám đông. Nhanh như cắt chú đã nhặt nó về, và qua tay chú con chim đã có thể tung cánh trên trời cao. Nét mặt chú vẫn vô cùng nghiêm túc, quay sang nhìn tôi lắc đầu. Tôi cảm thấy rất xấu hổ, hứa rằng “lần này nhất định phải thành công”, nàng chim giấy phành phạch mấy tiếng lượn vài vòng rồi rơi xuống vườn hoa như thể rụng lá. Một lần nữa chú lại chạy đi nhặt nó cho tôi, trên tay chú còn một tệp chim giấy khác. Tôi trố mắt nhìn theo, lâu lâu mới thốt được ra câu: “Cám ơn chú ạ!”. Chú chẳng nói gì, tiếp túc dạy cho đến khi tôi hiểu.

     Quả thật là một con người đáng yêu, tuy hơi ít nói nhưng tôi biết chú ấy là một người chân thành, thuần phác, một người yêu nghề và biết trân trọng. Chú đã giúp tôi hiểu ra phương pháp chơi trò chơi này cũng như hiểu ra sự ân cần trong cuộc sống.

Sau khi kết thúc hành trình ở Sài Gòn, chúng tôi ngồi 5 tiếng đồng hồ xe buýt, điểm dừng chân tiếp theo của ba đưa tôi là Mũi Né. Một nơi có sa mạc hoang sơ, vừa có biển xanh thơ mộng; giống như một cô nàng nóng bỏng nhưng lại không thiếu sự dịu dàng. Nghỉ ngơi vài phút sau đó chúng tôi lập tức đi tới suối tiên. Đầu nguồn của con suối rất bình thường, nếu không có bảng treo đề hai chữ “Suối tiên” thì tôi chỉ nghĩ nó là một con suối nhỏ hay là một con mương sắp cạn nước mà thôi. Đúng lúc chúng tôi cởi giày để lội suối, thì có một anh lại hỏi, “có cần gửi giày không”, vì cầm giày theo sẽ không tiện cho việc chụp ảnh nên ba đứa tôi nhất chí gửi giày và đưa cho anh giữ giày 10.000 đồng. Đúng lúc đó thì có hai anh khác tự xưng là hướng dẫn viên. Phản xạ đầu tiên của tôi là sẽ bị lừa tiền, nhưng vì hai anh ấy quá nhiệt tình tôi không biết làm thế nào để từ chối họ. Hai anh một người đội mũ màu đỏ còn một người mặc áo xanh, nên tôi tạm gọi là anh xanh và anh đỏ.

Suối tiên được kẹp giữa một đồi cát và một rặng dừa xanh

Mỗi khi có cảnh đẹp, anh đỏ đều nhắc chúng tôi dừng lại, rồi chụp ảnh cho chúng tôi. Anh xanh có vẻ ít nói, đi cũng rất nhanh, nhưng mỗi khi thấy cái gì hay hay anh lại ngắt tặng cho chúng tôi. Thấy hoa anh tặng hoa; thấy lá dương xỉ thì anh chọn những lá đẹp, cuộn thành vòng hoa cài đầu tặng ba đứa; tìm được cỏ bốn lá—tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc anh cũng tặng cho chúng tôi... Đây là lần đâu tiên trong đời tôi tận mắt nhìn thấy cỏ bốn lá, cái cảm giác ấm áp vỡ òa trong tôi.

Đi theo hai anh suối tiên dần dần lộ ra vẻ đẹp đúng với cái tên của nó

Đi hết suối tiên, cũng là lúc mặt trời xuống núi. Chúng tôi leo lên cồn cát để chờ đợi mặt trời chiều chếch về phía tây. Cồn cát rất dốc, tôi đã rất cố gắng nhưng vẫn không leo lên được. Anh đỏ thấy vậy liền quay lại giúp tôi. Lúc đó vào khoảng sáu giờ chiều, đất trời tràn đầy ráng chiều, bóng chiều tà chiếu rọi xuống, mặt trời tròn vo như chiếc bánh trôi chầm chậm lặn xuống cho đến khi biến mất.

Hai anh không hề than vãn, sẵn sàng đợi chúng tôi tạo dáng, giúp chúng tôi chụp hình, rồi thì hết lòng giải đáp những khúc mắc của chúng tôi về Mũi Né. Cả đoạn suối tiên chỉ dài mấy trăm mét thôi, nhưng chúng tôi đã dùng bốn tiếng đồng hồ để dạo chơi và khám phá. Chính là vì sự xuất hiện của hai anh, suối tiên càng thêm hấp dẫn và đẹp đẽ.

        Đến với Việt Nam, hòa nhập vào đất nước nhỏ bé xinh đẹp này, tôi mới thấy nó thân thương gần gũi hơn những gì tôi được học trên sách vở, từ bài giảng của thầy cô. Sau những ngày đi du lịch, trải nghiệm cuộc sống ở nơi đây, tôi học tập được rất nhiều từ những người dân đôn hậu mà tôi tiếp xúc. Có thể cuộc sống của họ đơn sơ, giản dị; nhưng họ luôn yêu đời, trân trọng cuộc sống, và rất chăm chỉ. Tôi yêu Việt Nam, yêu những người dân hồn hậu hiếu khách.

 

Tây Diễm

Chia sẻ:

Liên hệ chúng tôi

Trung tâm báo chí, Phòng Tuyên truyền Đảng ủy SISU

Tel : +86 (21) 3537 2378

Email : news@shisu.edu.cn

Address :550 phố Đại Liên Tây, Thượng Hải, Trung Quốc

Tin cũ