Liên hệ chúng tôi

Trung tâm báo chí, Phòng Tuyên truyền Đảng ủy SISU

Tel : +86 (21) 3537 2378

Email : news@shisu.edu.cn

Address :550 phố Đại Liên Tây, Thượng Hải, Trung Quốc

Tin cũ

Đôi điều về con số ‘3’ trong văn hóa Việt


19 October 2019 | By viadmin | SISU

Hôm trước chúng tôi đã giới thiệu đôi điều về con số ‘3’ trong văn hóa Hán, hôm nay chúng tôi tiếp tục giới thiệu về nó trong văn hóa Việt Nam. Do bị ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc nên số ‘3’ trong tiếng Việt có hai cách gọi: một cách nói Hán Việt và một cách nói thuần Việt.

‘Tam’ – từ Hán Việt, thể hiện những triết lý nhân sinh và luân thường đạo lý.

Xuất hiện với tần suất thấp hơn ‘ba’, đa số được dịch trực tiếp từ tiếng Hán sang, như “tam đại đồng đường” (三代同堂), “tam mộc thành sâm” (三木成林), “tam cố mao lư” (三顾茅庐), “tam tòng tứ đức” (三从四德), “tam hoàng ngũ đế” (三皇五帝), “tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư”三人行必有我师, “tam nam bất phú, tứ nữ bất bần” (三男不富、四女不贫), “tam tỉnh ngô thân”(三省吾身), “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” v.v. Mặc dù ‘tam’ là từ vay mượn, song vì nó phù hợp với bối cảnh xã hội và tâm lý của người dân Việt Nam, nên được họ tiếp nhận và yêu thích. Mặt khác, với sự phát triển nhanh chóng của ngôn ngữ mạng cùng nhu cầu sáng tạo từ vựng mới, từ ‘tam’ hiện nay được dùng với ý nghĩa mới mẻ hơn, ví dụ, ‘小三’ ‘kẻ thứ ba’ hay còn được gọi là ‘con giáp thứ 13’ như các bạn trẻ thường nói, vốn là một từ có cách nói thuần việt, song do ảnh hưởng từ lối dịch tiểu thuyết mạng mà hiện nay nó lại có thêm một cách dùng mới đó là ‘tiểu tam’.

‘Ba’-- Cách nói thuần Việt, biểu thị những ý nghĩa mang tính gần gũi với cuộc sống.

Số ‘ba’ trong tiếng Việt ngoài thực chỉ số lượng 3, như “ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”, “ba tháng mười ngày”; nó còn mang ý nghĩa phiếm chỉ số nhiều, vô cùng vô hạn. Điều này thường gặp trong những câu thành ngữ và tục ngữ của Việt Nam. Như, “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, “ba chìm bảy nổi”, “ba lần bảy lượt”, “ba dãy bảy tòa”, “ba bảy” (có ba bảy cách làm) v.v. đôi khi ‘ba’ lại phiếm chỉ số ‘ít’ như: “ba cọc ba đồng”

Ngoài ra, ‘ba’ cũng là giới hạn mẫu mực của người Việt, người ta thường nói: ‘quá tam ba bận’ – câu tục ngữ này dùng để nhắc nhở con người biết độ dừng, ‘cờ ba cuộc, cơm ba bát, thuốc ba thang’—có nghĩa là cờ ba cuộc mới phân thắng bại, ba bát cơm mới đủ no, ba tháng thuốc mới đủ liều, ‘ai giầu ba họ, ai khó ba đời’ – câu thành ngữ thể hiện sự biến chuyển của cuộc sống, không có gì trên đời là vĩnh viễn cả, mọi thứ đều biến chuyển, thay đổi theo thời gian. v.v. Vì thế, mà những gì quá nhiều, quá độ cũng trở nên hỗn loạn, rối bời, luộm thuộm, bừa bãi, lung tung, nhập nhòe, lòe loẹt như: “ba vạn chín nghìn”, “ba lăng nhăng”, “ba xôi nhồi một chõ”, “ba vành sơn son”, v.v.

“Ba” còn là con số tượng trưng cho sự không may mắn, điểm gở. “Tháng ba ngày tám”, “ngày tám tháng ba” hay “tháng tám chưa qua tháng ba đã tới”. Tại vì sao? Tháng ba và tháng tám là hai tháng giáp hạt trong vụ mùa ở đồng bằng Bắc Bộ, thóc vụ trước đã hết mà lúa vụ sau chưa gặt. Vào thời điểm này bà con nông dân hay lâm vào hoàn cảnh thiếu để gạo ăn, hết tiền để sài, do không còn thóc, đến nỗi những gia đình đông con nhiều cháu còn có người bị chết đói. Vì thế mà trong tiềm thức của người dân họ luôn lo sợ, cảnh giác những ngày này. Để rồi lời khuyên răn, nhắc nhở truyền khẩu của đời trước trở thành những điều kiêng kị của đời sau, như: “chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba”, khai trương, động thổ hay xuất hành người Việt Nam luôn cố tránh ngày ba. Kiêng chụp hình “ba người” vì họ cho rằng người đứng giữa sẽ gặp vận đen, thậm chí là chết non.

‘Ba’ còn được dùng để miêu tả tính cách con người, không đứng đắn, không đáng tin cậy, khoác lác, xảo trá, đểu giả,...như:ba hoa chích chòe”, “ba hoa khoác lác”, “ba que xỏ lá”, “ba trợn ba trạo”, “ba phải”, “ba lăng nhăng”, “ba láp”, “ba xạo”, “ba que”, “đồ ba bị”, v.v..

Có phải chăng vì sự nề hà, trốn tránh, sợ sệt với con số ‘ba’, mà ở những vùng nông thôn Việt Nam, người già thường dùng chiêu “ba bồ”, “ba bị” để dọa trẻ con khi chúng không nghe lời? Không chỉ thế họ còn đọc thành vè, “Ông Ba Bị/bồ, chín quai, mười hai con mắt, chuyên bắt trẻ con ”. Trong “Việt Nam tự điển” của Khai Trí (1931) có nêu ra định nghĩa về Ba Bị. Theo đó, “Ba Bị, giống quái vật, người ta bịa ra để dọa trẻ con. Ba bị, ám chỉ sự tồi tàn, xấu xí”. Cũng có tài liệu nói rằng, ‘Bị’ là tên của một người ăn xin, nói ‘Ba Bị ’ là vì khi đi ‘hành nghề’ ăn xin ông này thường đeo trên người ba cái bị lớn, tạo nên nột hình thù quái dị, xấu xí? Chính vì thế mà, ngoài cách dùng để dọa trẻ con, ‘ba bị’ còn đường dùng để ám chỉ những người đàn ông xấu xí, và thiếu nhân cách.

Nói tóm lại, trong văn hóa Việt Nam ‘ba’ không đơn thuần là một con số trong dãy số tự nhiên, mà nó chứa đựng nhiều nét văn hóa thú vị. Nó luồn lách đan xuyên vào mọi ngõ ngách cuộc sống, trong nó có điều tốt đẹp, sự e dè, không may mắn, kiêng kị... Nhưng dù có thế nào chăng nữa, những hàm ý đó vẫn lưu truyền trong dòng chảy thời gian của văn hóa Việt.

Tân Di, Bích Tiệp

 

Chia sẻ:

Liên hệ chúng tôi

Trung tâm báo chí, Phòng Tuyên truyền Đảng ủy SISU

Tel : +86 (21) 3537 2378

Email : news@shisu.edu.cn

Address :550 phố Đại Liên Tây, Thượng Hải, Trung Quốc

Tin cũ