Liên hệ chúng tôi

Trung tâm báo chí, Phòng Tuyên truyền Đảng ủy SISU

Tel : +86 (21) 3537 2378

Email : news@shisu.edu.cn

Address :550 phố Đại Liên Tây, Thượng Hải, Trung Quốc

Tin cũ

Tùng Dương Chiết Giang: Sự hài hòa giữa truyền thống và nghệ thuật Làng cổ hồi sinh


28 December 2022 | By viadmin | http://www.news.cn/culture/20220826/4112cea0acee47829b60781c65b847f6/c.html

 Hình ảnh: Làng Dương Gia Đường xã Tam Đô huyện Tùng Dương tỉnh Chiết Giang (17 tháng 7 năm 2020), phóng viên Huang Zongzhi trang mạng Tân Hoa xã.

Huyện Tùng Dương, thành phố Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang, là một huyện nằm ở vùng núi phía tây nam tỉnh Chiết Giang, được xây dựng hơn 1800 năm trước, với “tám núi, một nước, một ruộng” (địa hình nhiều đồi núi, ít đồng ruộng, hiếm nước). Ở đây có hơn 100 ngôi làng truyền thống được bảo tồn nguyên vẹn, trong đó có 75 ngôi làng được đưa vào danh sách các làng nghề truyền thống của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, địa phương đã có những kế hoạch kỹ lưỡng nhằm phát triển các ngôi làng cổ và nhà cổ, để hiện thực hóa sự kết hợp giữa truyền thống làng cổ và nghệ thuật đương đại, đồng thời hồi sinh làng trong quá trình kế thừa và phát triển văn hóa.

Làng cổ bao trùm nghệ thuật

“Xưởng đường hoa mai” nằm giữa khu vườn chè và rừng mía thuộc làng Hưng Thôn xã Chương Khê huyện Tùng Dương do văn phòng xây dựng DnA thiết kế. Không gian mở được bao quanh bởi những bức tường kính, là một công trình kiến trúc hiện đại kết hợp chức năng chế biến đường hoa mai truyền thống, trải nghiệm kỹ thuật, triển lãm và bày bán sản phẩm, triển lãm nghệ thuật, cũng là nơi để người dân nghỉ ngơi sau giờ lao động mệt mỏi, đồng thời cũng là nhà hát múa rối truyền thống để già trẻ trong làng tụ tập trong thời gian nông nhàn.

Ông Fu Jinjun, Bí thư chi bộ thôn Hưng Thôn cho biết, hàng năm địa phương thu hút hàng chục nghìn người tới tham quan vào mùa chế biến đường hoa mai; sau khi kết nối nền tảng thương mại điện tử nhà xưởng thu nhập hơn 300.000 Nhân dân tệ vào năm ngoái. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tại Tùng Dương có hơn 30 xưởng nghề đặc sắc, bao gồm xưởng đường hoa mai, xưởng đậu phụ, xưởng rượu gạo, v.v.

Nhà hát Trúc Lâm ở thôn Hậu Dư xã Trúc Nguyên, ông Wu Yongming, người giữ lửa cho làn điệu Cao ở Tùng Dương thường đến đây biểu diễn. Nhà hát có thiết kế như một chiếc rổ tre, dùng tre tự nhiên vây lấy một không gian tự nhiên có mái vòm, không cần làm móng, làm kèo. Được thay thế tùy theo sự mới cũ của tre, “nhà hát Trúc Lâm” chính là một công trình nghệ thuật có thể chuyển hóa.

“Ở Tùng Dương, sự hòa nhập giữa làng cổ truyền thống và nghệ thuật đương đại, sự tương phản giữa cái mới và cái cũ được thấy ở khắp mọi nơi.” Anh Gu Zenghui, người đã bước ra khỏi cái cổng làng, sau hơn 20 năm xa quê anh đã đưa đội thiết kế về thôn Tây Khanh xã Tứ Đô huyện Tùng Dương, thuê lại ngôi nhà đã bị bỏ hoang mười mấy năm trong làng, trùng tu chắc chắn lại cấu trúc nhà, giữ lại vẻ cổ kính ở bên ngoài, lắp đặt những tiện nghi sinh hoạt hiện đại, mở homestay nghệ thuật dân dã.

Được biết từ năm 2008 trở lại đây, thông qua xưởng chế biến đường hoa mai, cầu Thạch Môn Khư, phòng trà Đại Mộc Sơn, nhà Mộc Hương Thảo Đường, v.v. triển lãm văn hóa kiến trúc “Nông thôn đổi mới: Câu chuyện Tùng Dương” đã sinh động giới thiệu diện mạo mới của các ngôi làng cổ ở Trung Quốc, lần lượt được triển lãm thành phố Berlin ở Đức, thành phố Venice ở Ý và thành phố Vienna ở Áo.

Làng Diên Khanh Lĩnh Đầu xã Phong Bình huyện Tùng Dương, cách huyện lỵ 90 phút lái xe, từng được liệt vào danh sách di dời toàn bộ ngôi làng. Thấy tài nguyên và sinh thái tự nhiên của làng còn nguyên vẹn, ông Li Yueliang một cán bộ địa phương đồng thời cũng là một họa sĩ sơn dầu đã vô cùng kinh ngạc. Đầu tiên ông đã vẽ tranh để quảng bá văn hóa địa phương và các di tích trong làng, sau đó liên hệ các họa sĩ trong và ngoài nước đến thôn sáng tác nghệ thuật và tổ chức triển lãm tranh sơn dầu. Sau khi gặt hái được những thành quả đáng kể, ông thuyết phục chính quyền địa phương điều chỉnh quy hoạch và can thiệp bảo vệ “nghề tranh thêu”. Giờ đây, nơi này đã trở thành một “làng họa sĩ”nổi tiếng gần xa, hàng năm thu hút gần 300.000 lượt họa sĩ, sinh viên mỹ thuật và khách du lịch tới thăm.

Hiện tại có 94 nghệ sĩ, 68 văn phòng và 3 phòng trưng bày nghệ thuật đã ký hợp đồng với nhiều làng ở huyện Tùng Dương, liên quan đến mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ truyền thống, văn học, kiến trúc, và sáng tạo văn hóa, hình thành làng nghệ thuật như Diệp Thôn Đẩu Mễ Áo, Trúc Nguyên Hậu Dư, Tứ Đô Trần Gia.

Nhà cũ tái sinh

Đặt máy bào lên thân gỗ, hai tay cầm cán bào, theo quán tính đẩy mạnh về phía trước. Cùng với tiếng xoạt xoạt phát ra do máy bào cọ vào thân gỗ, là những lọng gỗ mỏng cuộn tròn rơi xuống, mùi hương của gỗ bay ra. Một người “thợ mộc” với hàng chục năm kinh nghiệm trong nghề tu sửa nhà cổ, được biết từ năm 2006 trở lại đây ông đã tham gia tu sửa hơn 160 ngôi nhà cổ.

Những ngôi nhà cổ nằm rải rác trong các ngôi làng cổ truyền thống, tạo nên những nét lịch sử nông thôn độc đáo ở Tùng Dương. Tuy nhiên, theo thời gian, những ngôi nhà cổ này ngày càng xuống cấp, tình trạng rất đáng lo ngại.

Tháng 4 năm 2016, Quỹ Bảo vệ Văn hóa vật thể Trung Quốc đã phát động dự án “phong trào giải cứu nhà cổ” ở Tùng Dương. Đối tượng “giải cứu” là các đơn vị bảo vệ văn hóa vật thể ở các làng truyền thống Trung Quốc, trừ các đơn vị bảo vệ văn hóa vật thể trọng điểm cấp quốc gia, đơn vị bảo vệ văn hóa vật thể tỉnh Chiết Giang, và các công trình kiến trúc văn vật do cá nhân sở hữu thuộc quần thể văn hóa vật thể không thể di chuyển đã được đăng ký trong cuộc tổng điều tra di tích văn hóa vật thể cấp quốc gia lần thứ 3.

Phóng viên được biết, chi phí trùng tu nhà cổ ở Tùng Dương, một nửa là do Quỹ bảo vệ văn hóa vật thể hỗ trợ, 20-30% là do chính quyền huyện hỗ trợ, phần còn lại do người dân trong làng tự quyên góp. Để người dân trong làng đóng góp một phần chi phí trùng tu, thì thành quả của công tác tu sửa và bảo vệ mới có thể bền lâu.

Nền sảnh chính được lát đá xanh, song cửa sổ mới sửa hòa hợp với cấu trúc cũ, mái hiên lợp ngói mới, thanh giằng được điêu khắc hoa văn tinh xảo như ban đầu.

Ngôi nhà cũ mà ông lão 85 tuổi Xu Lianyun đã sinh sống ở làng Tây Điền xã Tam Đô đã được cải tạo lại. Nhìn thấy cán bộ nhà nước, ông cụ như lâu ngày được gặp lại người thân, xúc động bồi hồi dang tay ôm chầm lấy họ miệng rối rít cảm ơn.

“Nhà cũ được cải tạo xong, những khung cảnh sinh hoạt và lối sống nông thôn lại hiện về.” Ông Wang Yongqiu chủ tịch Tập đoàn đầu tư văn hóa du lịch huyện Tùng Dương, từng là phó chủ nhiệm “Văn phòng nhà cổ” huyện Tùng Dương, cho biết, giờ đây cứ mỗi dịp lễ tết, huyện Tùng Dương tràn ngập “hương vị quê hương”

“Chim én bay về làm tổ, đây là một điềm lành.” Sau khi ngôi nhà cũ của ông Lei Jinyu, người dân thôn Giới Thủ xã Xích Thọ được cải tạo xong, gia đình ông đã quyết định bỏ huyện về làng ở. Ngôi nhà cũ bị bỏ hoang mười mấy năm, nay có người ở tự nhiên như trẻ lại.

Được biết, trong “phong trào giải cứu nhà cổ”, Tùng Dương tổng cộng có hơn 100 ngôi làng cổ, hơn 200 ngôi nhà cổ được bảo vệ và cải tạo. Hơn 300 ngôi nhà từ đường, 270 ngôi nhà truyền thống, hơn 20 cây cầu cổ ở địa phương cũng được tái sinh theo nhiều cách khác nhau trong quá trình cải tạo.

Để đảm bảo sự “nguyên vẹn” của ngôi nhà cổ, phối hợp “phong trào giải cứu nhà cổ”, Quỹ bảo vệ văn vật Trung Quốc kết hợp với Viện Nghiên cứu và Thiết kế kiến trúc cổ Chiết Giang đã lập ra hướng dẫn kỹ thuật cải tạo và phương pháp nghiệm thu cho việc trung tu kiến trúc văn vật ở làng truyền thống.

“Những ngôi nhà cổ đã được trùng tu, đội ngũ thợ lành nghề ở địa phương thì cũng đã được tập hợp lại.” Ông Huang Guiqiang Chủ nhiệm văn phòng di sản số 5 Viện nghiên cứu thiết kế kiến trúc cổ tỉnh Chiết Giang cho biết, trong giai đoạn“phong trào giải cứu nhà cổ”, Tùng Dương đã đào tạo hơn 2000 thợ thủ công truyền thống, hơn 30 đội thợ, tổng cộng hơn 1000 người tham gia vào dự án “thợ Tùng Dương”.

Kế thừa văn hóa truyền thống

Bảo tàng Thạch Thương -- Một công trình kiến trúc hiện đại với những bức tường đá nằm cách làng cổ Thạch Thương, thị trấn Đại Đông Đê, huyện Tùng Dương không xa, nằm giữa núi rừng, hòa vào tự nhiên.

Người dân địa phương cho biết, bảo tàng này giống như phòng khách của cả làng, mỗi khi nhà có khách người dân địa phương thường đưa họ đến đây dạo vài vòng, giới thiệu đôi nét về văn hóa thành tín của làng.

Nhà tưởng niệm Vương Cảnh ở làng Vương Thôn, phường Vọng Tùng huyện Tùng Dương được cải tạo lại trên nền ngôi nhà cũ. Trước đó, không ít người dân địa phương cho rằng, phá bỏ nhà cũ để xây lại mới tốt, thì nay họ đã dần dần nhận ra tầm quan trọng của việc giữ gìn diện mạo nguyên sơ và bảo tồn cội nguồn văn hóa.

“Cái cây này nếu là ngày trước, chắc đã bị bổ ra làm củi đun từ lâu.” Ông Wang Genshui một người dân địa phương, cũng là người kế thừa Vương Cảnh kể rằng: Khi xây dựng nhà tưởng niệm, trên nền đất cũ có một cây cổ thụ bị gió đánh ngã, nằm ngả trên bức tường vây loang lổ, qua nhiều năm tường với cây đã gắn chặt vào nhau. Người dân địa phương cảm thấy, đây cũng là một điều tốt, vì vậy họ đã giữ lại nó như một dấu ấn lịch sử, còn tự phát quyên góp được hơn 4000 tệ để gia cố và bảo trì.

Một cái giếng, một ngôi chùa, một cây cổ thụ, những ngôi nhà cổ với ngói xanh, song xám, tường đất, nằm rải rác giữa núi rừng, điểm xuyết vào giữa rặng thông xanh và ruộng bậc thang, tạo nên những hình ảnh điển hình của một vùng quê truyền thống Trung Quốc.

Làng truyền thống là nơi lưu giữ nền văn minh nông nghiệp hàng nghìn năm, ghi lại những phong tục tập quán và văn hóa địa phương đặc sắc, trong đó bao gồm: nhà ở, giếng nước, từ đường…và cả văn hóa tâm linh.

Được biết, Tùng Dương là địa phương thí điểm đầu tiên trong phát triển xây dựng thịnh vượng chung chất lượng cao của Chiết Giang nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đang hướng tới con đường phát triển chất lượng cao về hội nhập, chia sẻ và đổi mới.

Văn hóa dẫn đường cho công cuộc chấn hưng nông thôn, thu hút thanh niên địa phương thở về quê hương, cũng thu hút các nhà đầu tư và du khách ngoại tỉnh. Năm 2021, Tùng Dương đón 2.754.000 lượt khách thăm quan, đạt doanh thu 3,05 tỷ Nhân dân tệ từ ngành du lịch.

Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc là hiện đại hóa mà trong đó người dân Trung Quốc cùng chung thịnh vượng, là hiện đại hóa kiểu kết hợp hài hòa giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần. “Phong trào giải cứu nhà cổ” không chi là sự trùng tu nhà cổ, mà còn là sự bảo tồn và phát huy văn hóa làng quê truyền thống và văn hóa bản địa đặc sắc của Trung Quốc.

 

Hình ảnh: Người thợ mộc đang làm cánh cửa cho một ngôi nhà cổ ở làng Dương Gia Đường xã, Tam Đô, huyện Tùng Dương, tỉnh Chiết Giang. (ngày 25.5.2018), ảnh: phóng viên Huang Zongzhi trang mạng Tân Hoa xã

 Hình ảnh: Du khách tham quan làng Trần Gia Phổ, xã Tứ Đô, huyện Tùng Dương, tỉnh Chiết Giang, (ngày 17 tháng 7 năm 2020), ảnh Huang Zongzhi

 Diễn viên hát hí khúc đang biểu diễn làn điệu Cao Tùng Dương tại “nhà hát Trúc Lâm” ở làng Hằng Khang xã Diệp Thôn huyện Tùng Dường tỉnh Chiết Giang. (ngày 12 tháng 11 năm 2019), ảnh: Zheng Mengyu, phóng viên Tân Hoa xã

 Hình ảnh: Khu thắng cảnh Tùng Âm Khê và thôn Thạch Môn Dư xã Trai Đàn huyện Tùng Dương tỉnh Chiết Giang. (ngày 24 tháng 4 năm 2018), ảnh chụp từ trên cao, Huang Zongzhi, phóng viên báo Tân Hoa xã.

 

责任编辑:常宁

翻译:裴碧捷

校对冯超

排版陈燕琪

Chia sẻ:

Liên hệ chúng tôi

Trung tâm báo chí, Phòng Tuyên truyền Đảng ủy SISU

Tel : +86 (21) 3537 2378

Email : news@shisu.edu.cn

Address :550 phố Đại Liên Tây, Thượng Hải, Trung Quốc

Tin cũ